Cẩm nang

Bệnh người già thường mắc phải cần phải lưu ý là gì?

Bệnh người già thường mắc phải cần phải lưu ý là gì? Tổng hợp 12 căn bệnh người cao tuổi thường hay mắc phải để phòng ngừa.

Nền y học phát triển, tuổi thọ con người cũng sẽ được cải thiện. Do đó số lượng người cao tuổi theo đó cũng gia tăng. Tuy nhiên những căn bệnh hay xảy đến với người già là không thể tránh. Điển hình thường gặp đó là sự lão hóa, suy nhược cơ thể, huyết áp cao,….Điều này cũng rất là dễ hiểu vì khi bước vào độ tuổi ngoài 60, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động giảm sút, tế bào thần kinh bị thoái hóa, loãng xương, mất dần vị giác, khả năng lọc máu của gan cũng giảm, bàng quang co bóp yếu…

Không chỉ người già phải quan tâm đến sức khỏe của họ. Con cái trong gia đình cũng phải có nghĩa vụ quan tâm. Bởi vì những người cao tuổi đã cống hiến cả một đời người để lao động, làm việc, nuôi nấng và dạy dỗ thế hệ đi trước. Lớp trẻ cần phải ghi ơn, kính trọng, phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe người già. Việc nắm bắt trước những bệnh thường gặp ở người già sẽ giúp phòng bệnh tốt hơn. Đưa ra những phướng án điều trị kịp thời để người già có thể sống khỏe, sống vui vẻ, kéo dài tuổi thọ.

Bệnh người già thường mắc phải là gì?

Mục Lục Bài Viết

12 căn bệnh người già thường mắc phải là gì?

1. Đột quỵ là căn bệnh hay gặp ở người cao tuổi

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch màu não. Là từ gọi chung của những bệnh lý nhồi máu hoặc xuất huyết não. Nó xảy ra từ từ hoặc đột ngột, gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Ở người già, do sự suy yếu của hệ thống mạch máu. Máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Mặt khác, thành mạch suy yếu, dễ vỡ cùng với hậu quả của bệnh tăng huyết áp (nếu mắc trước đó). Điều này dẫn đến hậu quả dễ xảy ra xuất huyết mạch máu não.

Đây là một bệnh khá thường gặp và nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi. Tỷ lệ hiện mắc của bệnh này ở người già là 21,9%. Để phòng bệnh đột quỵ, chúng ta nên khuyên ông bà, cha mẹ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn ít mỡ. Nên tập thể dục nhẹ vào buổi sáng, tập dưỡng sinh. Nếu cần thiết thì uống thuốc dưỡng não, thuốc điều trị tăng huyết áp,…

2. Viêm phổi là căn bệnh người già hay mắc phải

Cơ quan hô hấp ở người già có sự suy giảm đáng kể về hoạt động cũng như hệ thống miễn dịch, kháng khuẩn. Phổi kém đàn hồi, cơ hô hấp yếu, kháng thể bề mặt phổi giảm. Cùng với đó là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể nên người già rất dễ bị viêm phổi. Đặc biệt hay mắc phải vào các mùa dịch, trái gió trở trời, thời tiết lạnh khô. Tác nhân gây bệnh là virus (thông thường là virus cúm), tụ cầu, phế cầu, liên cầu, đôi khi là não mô cầu, adenovirus, lao,…

Viêm phổi ở người già điều trị tốn kém và dai dẳng hơn người trẻ. Bệnh cũng dễ tái phát làm suy yếu dần sức khỏe, giảm tuổi thọ. Vì vậy, người già nên hạn chế đến những nơi đông người. Vào thời điểm khí hậu thay đổi, trời trở lạnh, người già nên giữ ấm cơ thể, tránh ra gió, tránh hít thở không khí lạnh khô để phòng bệnh viêm phổi hiệu quả. Bệnh viêm phổi chiếm tỷ lệ 7,8% ở người cao tuổi.

3. Tăng huyết áp là căn bệnh người già thường mắc phải

Huyết áp bình thường của người già là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp bình thường của người già ở độ tuổi từ 60 đến 64 thông thường là 134/87 mmHg. Tuy nhiên, đối với người trên 70 tuổi thì huyết áp tâm thu ( chỉ số tối đa) sẽ có trị số lớn hơn một ít, ở khoảng 140-160 mmHg. Khi đó chỉ số này được xem là huyết áp giới hạn, vẫn đạt ở mức cho phép, miễn là huyết áp tâm trương (chỉ số tối thiểu) thấp hơn 90mmHg.

Người cao tuổi bị tăng huyết áp có thể do tăng từ các giai đoạn tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hoặc do ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, muối. Nhưng thường nhất là do thành mạch bị xơ vữa nhiều. Dẫn đến hẹp lòng mạch và tăng huyết áp.

Chính vì thế, ở người già thường gặp tăng huyết áp tâm trương hơn là tâm thu. Bệnh tăng huyết áp người cao tuổi không nên xem thường. Nó rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như như tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim,…Bệnh này chiếm tỷ lệ 7,7 %.

4. Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến hay gặp ở người già

Đái tháo đường được chẩn đoán xác định khi đường máu bất kỳ đạt nồng độ trên 200 mg% và/hoặc đường máu lúc đói trên ngưỡng 126 mg%. Đái tháo đường có 2 tuýp là I và II. Ở người cao tuổi thường mắc phải bệnh đái tháo đường tuýp II.

Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Có thể do gan suy yếu theo tuổi già kéo theo sự suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; do các cơ quan giảm nhạy cảm với hormon Insulin; hoạt động của hormon Insulin không hiệu quả; tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Tất cả các cơ chế trên gây nên hậu quả tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường tuýp II ở nhóm người cao tuổi là 5,3%.

5. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh người già hay mắc phải

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được viết tắc là COPD. Bệnh là sự kết hợp của hai bệnh lý mãn tính ở phổi gồm khí phế thủng và viêm phế quản mãn tính. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng khó thở diễn ra thành cơn. Rất giống bệnh hen phế quản, nhưng ít đáp ứng hoặc không đáp ứng với các thuốc dãn phế quản thông thường.

Bệnh thường xảy ra trên cơ địa những người hút thuốc lâu năm, hoặc mắc những bệnh về hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Vì vậy, đây là bệnh người già thường mắc phải hoặc những người độ tuổi trung niên. Diễn biến dễ dẫn đến suy hô hấp, cơ thể suy kiệt. Người già thường xuyên nhập viện, chất lượng cuộc sống giảm, tuổi thọ giảm. Bệnh này chiếm tỷ lệ 4,1 % ở người già.

6. Suy tim là căn bệnh khó tránh ở người cao tuổi

Suy tim là một hôi chứng lâm sàng phức tạp. Nó là hậu quả của tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng quả tim. Tim không đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc đưa máu đi nuôi cơ thể. Suy tim có nhiều loại, bao gồm suy tim trái/phải, suy tim tâm thu/tâm trương, suy tim cấp/mãn,…

Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không? Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tim ở người già. Điển hình như: bệnh cơ tim, bệnh van tim, thấp tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành,…Theo nhiều nghiên cứu, thời gian sống còn của người cao tuổi bị bệnh suy tim trung bình từ 4,3 năm đến 7,1 năm. Tỷ lệ bệnh suy tim ở người cao tuổi là 2,4 %.

7. Bệnh Parkinson là căn bệnh đặc trưng thường thấy ở người cao tuổi

Đây là bệnh thường gặp ở những người từ 65 tuổi trở lên. Bệnh do thoái hóa một số tổ chức ở não gây ra. Những biểu hiện như: run tay, vận động chậm chạp, kém linh hoạt, cứng đờ. Có thể kèm theo một số triệu chứng như: suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, mùa giật, trầm cảm,…Đây là bệnh người già thường mắc phải. Hiện chưa tìm được nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của bệnh.

Bệnh diễn tiến một cách từ từ theo chiều hướng ngày càng nặng dần. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ bị hạn chế vận động nghiêm trọng, không nói được, không cử động được mà chỉ nằm một chỗ. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh và điều trị kịp thời là điều hết sức quan trọng. Nhờ đó có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian hoạt động bình thường cho người bệnh. Bệnh Parkinson chiếm tỷ lệ 2,1 %.

8. Hội chứng tiền đình là bệnh người già thường gặp

Hội chứng tiền đình bao gồm nhiều triệu chứng. Điển hình như: chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu, ù tai,… Gồm có hội chứng tiền đình ngoại biên và hội chứng tiền đình trung ương. Người cao tuổi dễ bị hội chứng tiền đình do thiếu máu đến nuôi cơ quan tiền đình – ốc tai, thiếu máu đến não, hậu quả của các bệnh lý về tai (viêm tai giữa, chấn thương tai, viêm tai xương chũm,…) từ giai đoạn trước,…

Người mắc hội chứng tiền đình nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị các biến chứng. Điển hình như tổn thương tai ảnh hưởng đến khả năng nghe, tổn thương thần kinh (trong trường hợp bị hội chứng tiền đình trung ương), chấn thương do té ngã,… Tỷ lệ mắc hội chứng tiền đình ở người cao tuổi là 2,0 %.

9. Loãng xương là bệnh lý ở người cao tuổi thường mắc phải

Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống cơ xương khớp mà người già thường mắc phải. Được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương và giảm chất lượng xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Đặc điểm loãng xương ở người già là: tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương. Nguyên nhân do các tế bào sinh xương bị lão hóa, sự hấp thu canxi ở ruột bị hạn chế và sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục.

Để phòng ngừa bệnh loãng xương, hạn chế hậu quả gãy xương. Người già cần bổ sung canxi vào chế độ ăn từ các nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, sò huyết, cua, ốc,…. Hoặc thuốc uống cung cấp canxi (viên canxi sủi, canxi – D,…). Tỷ lệ bệnh loãng xương ở người cao tuổi là 1,9 %.

10. Viêm phế quản cấp là bệnh người già rất dễ mắc phải

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm cấp tính ở phế quản. Do tác nhân virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Ở người già, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, cơ quan hô hấp giảm hoạt động kháng khuẩn nên dễ bị các bệnh lý về hô hấp. Trong đó, thường gặp nhất là mắc viêm phế quản cấp.

Virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trong tình trạng giảm sức đề kháng. Nó làm giảm hoạt động kháng thể bề mặt của đường hô hấp. Là lý do chúng dễ phát triển và gây nhiễm bệnh. Triệu chứng của bệnh bao gồm ho, khó thở, khạc đàm màu trắng đục, vàng, nâu tùy từng bệnh cảnh khác nhau. Nếu điều trị không triệt để sẽ dẫn đến viêm phế quản mãn tính, suy yếu cơ quan hô hấp. Bệnh này chiếm tỷ lệ 1,7%.

11. Mất thính lực là căn bệnh người già thường hay mắc phải

Một trong những bệnh người cao tuổi thường mắc phải, đặc biệt ở đổi tuổi trên 65 tuổi chính là tình trạng bị mất thính lực. Presbycusis (giảm thính lực khi về già) là biểu hiện thường thấy nhất ở mất thính lực do tác động của tuổi tác. Tình trạng phổ biến thứ hai là mất thính lực do tiếng ồn. Nguyên nhân do người bệnh thường xuyên tiếp xúc với âm thanh có cường độ lớn.

Trong cả hai trường hợp trên thì khả năng nghe những tần số âm thanh cao sẽ bị mất dần đi. Người già có thể gặp khó khăn khi lắng nghe những âm gió trong cuộc hội thoại như âm “S”, giọng nói của phụ nữ hoặc trẻ em. Cần nên khám bác sĩ định kỳ để được kiểm tra thính giác và dùng máy trợ thính nếu cần.

12. Suy giảm nhận thức là bệnh người già thường hay mắc phải

Quá trình lão hóa bình thường không ảnh hưởng mạnh tới trí nhớ của người già. Nhưng tình trạng mất trí nhớ vẫn có thể xảy ra ở một thời điểm nhất định. Suy giảm nhận thức nhẹ là một thuật ngữ y tế dùng cho tình trạng giảm trí nhớ do tuổi tác. Nhưng nó nghiêm trọng hơn so với giảm trí nhớ do quá trình lão hóa bình thường. Người mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ thường hay nhớ trước, quên sau. Họ gặp khó khăn khi được giao những công việc như tính toán hay những công việc đòi hỏi nhiều công đoạn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra có khoảng 10% đến 20% những người trên 65 tuổi có thể mắc phải chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Suy giảm nhận thức nhẹ có thể tiến triển thành bệnh Alzheimer – tình trạng bệnh không thể phục hồi của não. Người mắc bệnh Alzheimer sẽ mất dần khả năng suy nghĩ và ghi nhớ. Cuối cùng bệnh nhân không có khả năng thực hiện những việc cơ bản nhất. Những người bị Alzheimer đầu tiên sẽ nhận thấy trí nhớ không còn khả năng ghi nhớ như xưa nữa.

Bệnh suy giảm nhận thức có thể gây ra nhiều ảnh hưởng. Do vậy, khi nhận thấy chính mình hay người thân xuất hiện những triệu chứng của bệnh suy giảm nhận thức thì bạn hãy đến khám bác sĩ để xác định được tình trạng chính xác.

Bệnh người già thường mắc phải là gì? Đó là những căn bệnh thường hay xảy ra khi chúng ta bước vào độ tuổi 60. Cần phải tìm hiểu về những căn bệnh này. Để có được những cách phòng tránh, điều trị kịp thời. Sức khỏe người già vô cùng quan trọng cho cuộc sống gia đình. Một ngôi nhà hạnh phúc là một ngôi nhà luôn có “Niềm vui của người già, tiếng cười của trẻ nhỏ”. Sức Khỏe Thời Đại đã tổng hợp 12 căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

 

 

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn suckhoethoidai.com như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2024 | suckhoethoidai.com | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status